[email protected]
-
TỔNG GIÁM ĐỐC: 0915.555.444
-
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC: 0942.555.444
-
GIÁM ĐỐC KINH DOANH : 0948.555.444
-
PHÒNG KẾ TOÁN: 0938.555.444
-
VĂN PHÒNG CÔNG TY: 0968.555.444
-
Email: [email protected]
Bài toán khó cho ngành điều Việt Nam
Năm 2012 có thể là năm “đại hạn” của ngành điều do giá xuất khẩu điều nhân giảm mạnh, trong khi trước đó không ít DN mua dự trữ nguyên liệu với số lượng lớn với giá cao nên nhiều DN bị lỗ nặng.
Tại buổi họp thu mua ngành điều mới đây, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), cảnh báo nguy cơ vẫn hiện hữu ở phía trước nếu không rút ra được những bài học quá khứ.
Đánh bạc?
Thời tiết vốn tác động khá nhiều đến mùa vụ và năng suất cũng như chất lượng hạt điều. Hàng năm, những con mưa trái vụ xuất hiện nhiều làm cho hoa bị rụng nhiều nên bị giảm năng suất. Năm nay, ai cũng nghĩ thời tiết sẽ thuận lợi và kỳ vọng vào mùa vụ bội thu như năm 2011 khi không có những cơn mưa trái mùa.
Nhưng chuyến đi khảo sát mới đây cho thấy, không mưa trái mùa cũng là tai họa, làm cho hoa bị khô héo. Trên cây điều hầu như chỉ có 2 đợt hoa thay vì 3 đợt như hàng năm. Nếu thời gian tới không có những cơn mưa trái mùa thì mùa vụ điều năm nay nhiều khả năng sẽ kết thúc sớm.
Ở Bình Phước, địa phương có diện tích điều lớn nhất nước, nhiều khả năng sẽ chấm dứt vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 thay vì cuối tháng 4 đầu tháng 5. Phải chăng vì tình hình này mà hiện nay điều thô được DN mua với giá khá cao: 23.500 đồng/kg, dự báo có thể lên 25.000 đồng/kg. Với mức này giá điều nhập kho lên đến 27 triệu đồng/tấn, nếu vẫn còn DN chào bán với giá quá quá thấp không loại trừ khả năng như đã xảy ra năm 2012. Chủ tịch Vinacas Nguyễn Đức Thanh cho biết: Hiện giá điều thô cả trong và ngoài nước đang cao, DN mua vào nhiều nếu bán ngay cầm chắc lỗ, đợi đến vài tháng nữa thì như “đánh bạc”.
Theo ông Nguyễn Văn Chiểu, Phó Chủ tịch Vinacas, mọi năm các nhà rang xay trên thế giới thường có lượng tồn kho lớn gối đầu từ năm cũ sang, nhưng năm nay lượng tồn kho rất ít, đây là điều kiện để DN đẩy mạnh xuất khẩu. Phải chăng vì vậy từ sau Tết Quý Tỵ các DN ký hợp đồng xuất khẩu giao xa số lượng 300 container với giá tốt, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, bài học không đoàn kết, bị nhà nhập khẩu ép giá nhiều năm qua, đặc biệt là năm 2012 phải được rút ra.
Bài toán vùng nguyên liệu
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng cho rằng, điều nhân là mặt hàng xuất khẩu mà Việt Nam đứng đầu thế giới từ 2006 đến nay, nhưng con số xuất khẩu tăng lên mà diện tích điều nguyên liệu cứ giảm xuống. Bởi thu nhập của người trồng điều quá bấp bênh, thua xa so với người trồng cây cao su, cà phê, kể cả cây sắn (khoai mì) nói chi đến hồ tiêu.
Để có nguyên liệu, các DN nhiều năm qua đã phải nhập về chế biến, tỷ lệ nhập khẩu tăng dần lên thời gian qua bù lại do diện tích điều giảm mạnh. Tỷ lệ hiện nay gần ở mức 50/50. Nếu không giải bài toán vùng nguyên liệu, ngành điều vẫn chỉ là ngành gia công như dệt may. Việc nhập khẩu bị trộn vào điều cũ, chất lượng thấp phải lỗ trên chục ngàn đồng/kg từ châu Phi năm 2012 của không ít DN đã xảy ra.
Bộ NN-PTNT quy hoạch 400.000ha vùng điều tập trung ở Bình Phước, khoảng 200.000 ha còn lại ở Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh… Nhưng quy hoạch sẽ không còn ý nghĩa khi không nâng cao thu nhập người trồng điều. Giải pháp ở đây là nâng cao năng suất lên so với hiện nay chỉ ở mức 1 tấn/ha để việc thu mua không đẩy giá lên quá cao giúp ngành chế biến điều còn có thể cạnh tranh với các nước và trên hết là giúp người trồng điều không bị thua thiệt, giữ vùng nguyên liệu ổn định.
Bài toán này theo ông Tạ Quang Huyên, Giám đốc Công ty Bình Sơn 1, là khả thi vì ở vùng điều Bình Phước nhiều nơi đã có năng suất trên 2 tấn/ha/vụ. Vấn đề ở đây là phải hỗ trợ cũng như giúp người dân hiểu và bỏ đi tập quán trồng điều như trồng rừng, không chăm sóc trong khi ngoài giống ra, việc thâm canh để có năng suất cao thì các loại cây trồng khác đều phải làm.
Vinacas khuyến cáo DN xuất khẩu nhân hạt điều sang Trung Quốc chú ý đến việc xử lý độ ẩm hàng đúng quy cách trước khi đóng gói, không bỏ gói giấy thuốc khử trùng và hạt chống ẩm vào thùng hàng. Trước đó, do lo ngại độ ẩm khá cao trong quá trình vận chuyển có thể thẩm thấu vào hàng hóa và phát sinh sâu mọt nên DN phải sử dụng biện pháp nêu trên. Nhưng khi siết chặt việc quản lý và kiểm tra an toàn thực phẩm, Trung Quốc nghiêm cấm việc này vì nguy hại từ thuốc khử trùng và hạt chống ẩm nhưng một số DN xuất khẩu điều vẫn làm theo cách cũ. Nếu tiếp tục, nhiều khả năng hạt điều Việt Nam bị cấm nhập khẩu vào Trung Quốc, thị trường lớn của sản phẩm này.
Theo SGGP